Sâu răng thường xuất hiện ở mặt nhai và mặt bên các răng phía sau (các răng hàm) do các răng này có nhiều hố rãnh, khe kẽ là nơi thức ăn dễ đọng lại và khó lấy đi bằng việc đánh răng. Để khắc phục tình trạng này, nha sĩ đã áp dụng biện pháp trám bít hố rãnh hay là Sealant.
1. Sealant là gì?
Ở Việt Nam, khái niệm Sealant, trám bít hố rãnh hay trám răng phòng ngừa sâu răng còn được ít nha sĩ để ý tư vấn. Tuy nhiên ở nước ngoài, khái niệm này lại khá phổ biến. Hiệp hội Nha sĩ Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo Sealant là một trong các phương pháp điều trị phòng ngừa rất hiệu quả nhất là cho trẻ em. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về Sealant nhé.
Sealant là từ để chỉ kỹ thuật đặt một lớp vật liệu nha khoa để lấp kín các hố rãnh, khe kẽ trên các mặt của răng, đặc biệt là ở mặt nhai các răng phía sau giúp phòng ngừa sâu răng.
Vật liệu dùng để làm sealant có thể là cement thủy tinh (Glass Iomomer cement -GIC) hay composite.
2. Vì sao Sealant có tác dụng ngăn ngừa sâu răng?
Thức ăn đọng lại trên mặt răng, đặc biệt là ở các hố rãnh, khe kẽ sẽ bị lên men bởi các vi khuẩn trong miệng, tạo thành môi trường acid ăn mòn mặt răng. Mặt răng bị ăn mòn, dần dần sẽ tạo thành lỗ sâu.
Vật liệu dùng để làm Sealant sẽ lấp đầy các hố rãnh, khe kẽ trên mặt răng, mặt răng trở nên láng bóng ngăn không cho thức ăn và mảng bám bám vào răng, vì thế làm giảm nguy cơ sâu răng.
Ngoài tác dụng lấp đầy, vật liệu dùng để làm Sealant (GIC) còn phóng thích Fluor, yếu tố có tác dụng làm bề mặt răng rắn chắc chống lại tác dụng ăn mòn của acid gây sâu răng.
3. Sealant nên làm ở răng nào?
Sealant nên được làm ở các răng quan trọng và có nguy cơ sâu cao nhất, thường là các răng hàm vĩnh viễn ở phía sau (răng số 6, số 7). Tuy nhiên với những răng khác có hố, rãnh sâu và ở trẻ vệ sinh răng miệng không tốt cũng nên làm Sealant để giúp trẻ giảm nguy cơ sâu răng.
Ngoài các răng vĩnh viễn, việc bảo vệ các răng hàm sữa cũng rất quan trọng, vì vậy, Sealant cũng nên được làm ở các răng này.
4. Lúc nào nên làm Sealant?
Sealant cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay khi răng hàm vĩnh viễn đầu tiên (răng số 6) của trẻ vừa mọc lên, thường là trong giai đoạn 6-7 tuổi. Những răng hàm vĩnh viễn còn lại cũng cần được trám bít hố rãnh ngay khi chúng xuất hiện trong thời gian 11-14 tuổi.
Ngoài ra, để có một bộ răng vĩnh viễn khỏe mạnh thì bộ răng sữa cũng cần được chăm sóc tốt. Chính vì vậy, răng hàm sữa cũng cần được trám bít hố rãnh nếu có chỉ định của nha sĩ.
5. Làm Sealant có phức tạp không?
Dán Sealant rất nhanh, đơn giản, trẻ dễ chịu và chỉ trong một lần hẹn.
Đầu tiên mặt răng sẽ được làm sạch, rồi được xử lý và thổi khô. Sau đó Sealant dạng lỏng sẽ được đưa vào để lấp kín các hố rãnh, khe kẽ trên mặt răng và được chiếu đèn để cứng lại. Con bạn có thể ăn uống bình thường ngay sau buổi hẹn.
Khác với hàn răng sâu, nha sĩ không phải làm sạch lỗ sâu nên con bạn sẽ không bị đau.
6. Sealant có dễ bị bong không?
Các nghiên cứu thấy rằng Sealant có thể duy trì trên răng khoảng 2-3 năm hoặc lâu hơn nếu con bạn giữ vệ sinh răng miệng tốt và tránh nhai những vật cứng. Tuy nhiên, Sealant có thể dễ bong, vỡ. Vậy bạn vẫn nên giữ thói quen cho trẻ đi khám răng định kỳ. Khi đó, nha sĩ sẽ kiểm tra và đề nghị dán sealant lại hay sửa chữa lại khi cần.
7. Chăm sóc răng miệng như thế nào sau khi làm Sealant?
Sealant chỉ là một bước trong kế hoạch phòng ngừa cho trẻ không bị sâu răng suốt đời. Bề mặt trơn láng của miếng trám sealant giúp cho việc làm sạch mặt răng dễ dàng hơn, từ đó giúp làm giảm tỷ lệ sâu răng ở trẻ. Tuy nhiên, Sealant không thể thay thế cho biện phải chải răng.
Chải răng đúng cách với kem đánh răng có Fluor, dùng chỉ tơ nha khoa chải sạch kẽ răng, chế độ ăn hợp lý, hạn chế ăn vặt và đi khám răng định kỳ vẫn là những điều cần làm để đem lại một nụ cười tươi sáng và một bộ răng khỏe mạnh.
Xã hội càng phát triển, càng tạo nhiều yếu tố chi phối làm tỷ lệ sâu răng ngày càng cao. Việc kiểm soát tỷ lệ sâu răng đã đang và sẽ vẫn là thách thức lớn của mỗi xã hội và của mỗi gia đình. Sealant là một trong các phương pháp điều trị dự phòng sâu răng, nhất là ở trẻ em được đánh giá là hiệu quả nhất.
Việc khám răng định kỳ nên bắt đầu khi trẻ 1-2 tuổi để tạo thói quen chăm sóc răng miệng tốt cho trẻ, khiến trẻ không sợ hãi khi đi khám răng, nha sĩ dễ tiếp cận trẻ khi làm các thủ thuật trên răng và là tiền đề để trẻ có hàm răng khỏe mạnh, sáng bóng sau này.
Các bậc cha mẹ hãy là nha sĩ của con mình, hướng dẫn động viên trẻ đánh răng đúng cách, chủ động đặt hẹn khám răng định kỳ 6 tháng/lần cho con tại các cơ sở khám chữa răng đáng tin cậy.