1. Răng ngầm là gì?
Răng ngầm những răng nằm trong xương hàm khi đã quá tuổi mọc răng bình thường của nó, không mọc được lên trong khoang miệng.
Răng ngầm có thể gặp ở cả hàm trên và hàm dưới, hay gặp nhất là răng nanh hàm trên, sau đó đến răng cửa giữa hàm trên (không kể các răng khôn).
2. Nguyên nhân gây răng ngầm
* Có nhiều nguyên nhân gây ra răng ngầm:
– Toàn thân: do di truyền, thiếu vitamin, rối loạn nội tiết, bệnh truyền nhiễm, điều trị bằng tia xạ…
– Tại chỗ: U răng, bệnh lý quanh thân răng, răng thừa, thiếu khoảng…
3. Các dấu hiệu nhận biết răng ngầm
Các bậc phụ huynh có thể phát hiện răng ngầm qua quan sát tình trạng răng miệng của con, dựa trên một số dấu hiệu như: răng sữa quá tuổi thay vẫn còn trên cung, răng vĩnh viễn ở cung răng đối diện đã mọc, niêm mạc vùng vòm miệng hoặc tiền đình tương ứng gồ lên, các vĩnh viễn lân cận chết tủy (răng bị đổi màu), lung lay, thân răng bên cạnh bị nghiêng…
4. Các biến chứng do răng vĩnh viễn mọc ngầm
Răng vĩnh viễn mọc ngầm có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp là: hình thành nang thân răng, tiêu chân răng lân cận, tiêu thân răng ngầm, tiêu xương ổ răng, nghiêng và xoay các răng lân cận… Vì vậy, cần cho trẻ đi khám tại cơ sở RHM tin cậy để được phát hiện sớm và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp cho trẻ, tránh biến chứng.
5. Điều trị răng vĩnh viễn mọc ngầm như thế nào?
Trường hợp các răng vĩnh viễn mọc ngầm được phát hiện kịp thời, có thể điều trị nắn chỉnh răng để đưa về đúng vị trí trên cung răng. Tại các cơ sở y tế uy tín, chuyên môn cao, với sự hỗ trợ của công nghệ 3D các bác sỹ có thể xác định chính xác vị trí răng ngầm, nhờ đó tỷ lệ kéo răng ngầm thành công ngày càng cao.
Trường hợp răng mọc ngầm dị dạng, hình thể bất thường hoặc mọc theo hướng không thuận lợi (mọc ngược) hoặc nằm ở vị trí quá cao, hoặc do phát hiện quá muộn… có thể cân nhắc phẫu thuật lấy bỏ răng ngầm. Vì vậy, việc đưa trẻ đi khám định kỳ nhằm phát hiện và điều trị kịp thời là rất quan trọng.