Người Hàn Quốc gọi răng khôn là “răng tình yêu” vì mọc ở cuối tuổi thiếu niên đầu thanh niên. Nhiều người cho là răng thừa nên nhổ bỏ.
Chiếc răng khôn đầu tiên được y học ghi nhận từ 15.000 năm trước, mọc ngầm dưới nướu của một phụ nữ châu Âu. Nhà nghiên cứu Alan Mann, Đại học Princeton, nhận xét răng khôn là “vết sẹo của tiến hóa loài người”. Lịch sử tiến hóa loài người, bộ não phát triển rất nhanh, tăng gấp ba lần kích cỡ ban đầu khiến kích thước hộp sọ thay đổi, cấu trúc hàm bị co lại, không còn chỗ cho răng khôn mọc. Song, vì các gene quyết định cấu trúc răng tiến hóa tách biệt với gene kiểm soát sự phát triển não bộ, con người đang gặp nhiều rắc rối với chiếc răng khôn.
Số răng khôn mọc trong cuộc đời một người có thể một, hai, ba, bốn chiếc, có người không mọc răng khôn. Cũng có người mọc nhiều hơn 4 chiếc răng khôn, gọi là răng thừa (supernumerary teeth). Theo bác sĩ William McCormick, phó giáo sư lâm sàng tại Đại học Nha khoa West Virginia, những yếu tố di truyền như kích cỡ xương quai hàm có thể quyết định số răng khôn của một người.
Các tài liệu y khoa thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp thời gian mọc bất thường của răng khôn. Nhà triết học cổ đại Aristotle ghi chép trong cuốn The History of Animals của mình: “Có cụ bà đã ngoài 80 tuổi – giai đoạn cuối cuộc đời – nhưng răng khôn mới bắt đầu mọc, gây nhiều đau đớn. Trường hợp như vậy cũng đã xảy ra với các cụ ông”.
Năm 2017, sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận ông Robert W. Gray (Mỹ) là người cao tuổi nhất mọc răng khôn khi gần bước sang tuổi 95. Ông phát hiện chiếc răng khôn mới mọc khi đang đánh răng vào buổi sáng. Theo bác sĩ William, phần lớn trường hợp mọc răng khôn trong độ tuổi 17-25, song “vẫn không thể lường trước được khi nào răng mọc lên”. Bác sĩ từng điều trị cho một bệnh nhân 65 tuổi đã phải lắp răng giả nhưng chiếc răng khôn vẫn mọc chèn lên.
Răng khôn là nguồn tạo tế bào gốc. Theo William Giannobile, biên tập viên tạp chí Dental Research, các nhà khoa học Nhật Bản từng nghiên cứu tạo tế bào gốc thành công từ các tế bào sống của răng khôn, có tiềm năng tái tạo đáng ngạc nhiên. Nghiên cứu trên chuột của các nhà khoa học tại Đại học Y Pittsburgh cho thấy tế bào gốc lấy từ răng có thể dùng điều trị giác mạc tổn thương do nhiễm trùng hoặc chấn thương. “Đã có các nghiên cứu sử dụng tế bào gốc từ răng khôn để điều trị rối loạn thần kinh và các bệnh về mắt”, bác sĩ Pamela Robey, Viện Nghiên cứu Nha khoa và Sọ mặt quốc gia, chia sẻ với CNN.
Răng khôn được gọi với nhiều cái tên khác nhau. Trong tiếng Nhật, răng khôn gọi là “oyashirazu” (chiếc răng bố mẹ không biết), do đa số mọc khi một người đã trưởng thành, không còn sống cùng bố mẹ.
Tại Mỹ, phẫu thuật dự phòng răng khôn khá phổ biến. Nhiều người nhổ răng khôn dù không bị đau hay có vấn đề phát sinh từ chiếc răng này. Việc nên hay không nên nhổ răng khôn cũng gây nhiều tranh cãi.
Có quan điểm cho rằng đa số mọi người sẽ gặp vấn đề rắc rối với chiếc răng khôn trong tương lai. “Rất khó để đưa ra con số chính xác, nhưng ít nhất 75-80% trường hợp răng miệng không đủ tiêu chuẩn để duy trì chiếc răng khôn tới cuối đời”, bác sĩ Louis K. Rafetto bày tỏ quan điểm. Ông cho biết tại Mỹ, trung bình mỗi năm có khoảng 3,5 triệu ca phẫu thuật nhổ răng khôn, tương đương 10 triệu chiếc răng khôn được nhổ.
Với một số người, răng khôn là những “quả bom nổ chậm”, ảnh hưởng đến việc cắn, nhai thức ăn, gây mòn răng, sâu răng, nghiêm trọng có thể dẫn đến u nang, tổn thương thần kinh… Tuy nhiên nha sĩ Jay Friedman cho biết chỉ khoảng 12% răng khôn gây đau. Ông so sánh tỷ lệ thấp này với 7-14% trường hợp bị đau ruột thừa, nhấn mạnh ruột thừa chỉ được mổ cắt bỏ khi người bệnh lên cơn đau. Bác sĩ William có suy nghĩ tương tự, cho rằng chỉ nên nhổ răng khôn khi bị viêm nhiễm, xuất hiện ổ áp xe.
“Hãy nghĩ đến những rủi ro có thể xảy ra khi phẫu thuật nhổ răng khôn, mặc dù biến chứng nghiêm trọng như gãy xương hàm, tử vong cực kỳ hiếm”, ông nói.
(Theo Mental Floss)