Khi thuốc tê hết tác dụng, Lisa Martyn từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về nhà với một hàm răng bóng loáng và cơn đau nướu ngày càng dữ dội.
“Tôi gần như mất trí. Tôi chạm tay xuống miệng và lập tức thấy đau đớn. Cơn đau không hề thuyên giảm, nó chạy quanh miệng, từ chiếc răng này sang chiếc răng khác”, người phụ nữ 48 tuổi kể lại.
Martyn đến Thổ Nhĩ Kỳ sửa răng vào tháng 9/2021. Bà là một trong số hàng trăm nghìn “khách du lịch nha khoa” đổ xô đến các phòng khám nước ngoài mỗi năm, sau khi xem quảng cáo về dịch vụ giá rẻ.
Nhiều khu vực của Anh gặp phải tình trạng thiếu bác sĩ nha khoa công lập. Các bệnh nhân được chuyển đến những cơ sở tư nhân. Một gia đình thậm chí tuyệt vọng đến mức phải sang Brazil để khám răng.
Dịch vụ giá rẻ tại các khu vực như Hungary, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ vì thế trở nên hấp dẫn. Ví dụ, chi phí làm răng sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ là từ 3.700 USD đến 7.500 USD cho cả hàm, song tại Anh có thể lên đến 12.500 USD.
Đại dịch thúc đẩy nhu cầu về nha khoa thẩm mỹ, đặc biệt là ở những người trên 40 tuổi. Ngành du lịch nha khoa toàn cầu đang bùng nổ. Ước tính, thị trường này sẽ đạt giá trị 5,83 tỷ USD vào năm 2025.
Một số khách du lịch nha khoa có trải nghiệm thỏa mãn, nhưng số khác tiền mất, tật mang.
Martyn từng dán răng sứ veneer tại một phòng khám ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2011. Lần đầu tiên điều trị tại nước ngoài, bà rất hài lòng với kết quả, không cảm thấy quá đau đớn khi trở về nhà. Tuy nhiên, năm ngoái, Martyn nhận thấy vết nứt ở một chiếc răng sứ và quay lại phòng khám để kiểm tra. Đến nơi, bác sĩ thông báo bà không thể thay thế một chiếc răng, mà phải làm lại cả hàm với chi phí 4.400 USD.
Đợt điều trị thứ hai, theo Martyn, là một “cơn ác mộng”. Sau khi chụp X-quang nhanh chóng và để bà nằm lên ghế, bác sĩ bắt đầu mài 26 chiếc răng thật của bà để bọc sứ.
“Tôi đã nói ‘Trông răng tôi quá nhỏ’, nha sĩ đáp ‘Chúng ổn mà’. Họ thậm chí không cho tôi lo lắng”, Martyn kể lại. Khi thủ thuật kết thúc, Martyn trả tiền với một khuôn mặt sưng tê. Bệnh viện không xuất hóa đơn, cũng không muốn trả sổ y bạ cho bà.
Nhiều tháng sau đó, Martyn gần như tê liệt ở mặt, thường xuyên đau nhức vùng nướu, hàm và áp xe một bên má. Đi khám, bà nhận ra mình bị nhiễm trùng và phải trả thêm nhiều tiền để triệt tủy răng. “Tôi tới nha sĩ trong tình trạng co giật”, bà nói.
Đến lúc này, Martyn mới biết mình được bọc răng sứ hoàn toàn, không phải dán veneer như yêu cầu với bác sĩ. Dán sứ veneer là phương pháp ít xâm lấn hơn so với các cách khác. Để miếng sứ veneer dính chặt vào bề mặt răng, bác sĩ chỉ cần mài mặt trước răng một ít để tạo độ nhám. Trong khi đó, bọc răng sứ là phương án bắt buộc mài khá nhiều răng để chụp mão sứ lên trên.
Cơn đau đeo bám Martyn tới 8 tháng sau, khiến bà không thể ăn uống. “Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ làm răng, tôi nặng 117kg. Giờ đây, tôi còn 95kg”, bà nói.
Martyn buộc phải nhổ tất cả răng và trồng răng giả. Bà vẫn đang dùng thuốc giảm đau hàng ngày, cần điều trị sâu hơn về tủy răng. Chi phí khắc phục hậu quả là hơn 1.800 USD.
Bà đã đăng tải video cảnh báo về dịch vụ du lịch nha khoa giá rẻ trên trang cá nhân và nhận được hàng trăm lượt xem. Martyn cho rằng trường hợp của bản thân chỉ là phần nổi của tảng băng, tồn tại trong ngành công nghiệp tỷ đô toàn cầu.
Một phụ nữ khác là Chloe cũng có trải nghiệm tương tự sau khi bọc răng sứ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ nhìn bên ngoài, cô sở hữu hàm răng trắng sáng hoàn hảo. Tuy nhiên bên dưới, nướu của Chloe bị sưng viêm, tiềm ẩn các vấn đề có thể kéo dài cả đời.
Nữ sinh viên 20 tuổi đã sử dụng gần 5.500 USD tiền tiết kiệm để làm răng vào tháng 2. Ban đầu, cô muốn dán sứ veneers ít xâm lấn vì không hài lòng với hàm răng thật của mình. Chloe tìm đến một cơ sở nha khoa ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhìn thấy đoạn quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội.
Tới phòng khám, cô không khỏi ngạc nhiên vì tính “công nghiệp” tại đây. “Nó giống như một dây chuyền lớn, bệnh nhân cứ đi ra rồi đi vào”, cô nói.
Phòng khám có một quầy đồ uống sang trọng, thức ăn miễn phí, khu vườn rộng lớn trước cửa và dịch vụ đưa đón miễn phí từ khách sạn.
“Tôi chưa từng thấy phòng khám nha khoa nào tương tự trước đây. Nó thật đẹp. Nhưng ở đó, họ không hề quan tâm đến răng của bạn”, cô nói.
Dù Chloe đã yêu cầu thực hiện các thủ thuật không xâm lấn, không cần mài răng gốc, bác sĩ vẫn dũa tới chân răng và bọc sứ cho cô. Khi nhìn vào gương và thấy răng thật được mài nhỏ xíu, cô bật khóc.
“Tôi đã bị sốc, khóc rất nhiều. Ngay lập tức, tôi nói rằng mình không muốn răng sứt mẻ nhiều như vậy. Họ bảo rằng răng tôi không đủ khỏe để dán veneers. Chẳng ai thông báo cho tôi điều đó ngay từ đầu”, cô kể lại.
Giống như Martyn, Chloe không được ký bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào trước khi làm thủ tục, cũng không được nhận biên lai sau khi hoàn thành.
Cô trở về nhà với hàm răng nhức buốt, cơn đau lan ra khắp người. Đến nay, cảm giác khó chịu đã giảm bớt, nhưng nướu của Chloe vẫn còn nhạy cảm. Cô lo ngại về các vấn đề sẽ phải gặp trong tương lai. “Tôi đang thấy thực sự tồi tệ về mặt tinh thần”, cô nói.
Chloe cho rằng “hiệu ứng Instagram” là động lực thúc đẩy những khách du lịch nha khoa trẻ tuổi. Các ngôi sao, người có tầm ảnh hưởng thường xuyên đăng tải hình ảnh với nụ cười hoàn mỹ, khiến họ di chuyển hàng nghìn cây số để làm răng tại nước ngoài.
Tiến sĩ Emi Mawson, nha sĩ tại Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), cho biết ngày càng nhiều thanh thiếu niên tìm kiếm dịch vụ nha khoa giá rẻ, song không hiểu được sự khác biệt của dán sứ veneers và làm răng sứ.
“Khi chụp mão sứ, bác sĩ sẽ mài răng của bạn xuống tận phần chân. Điều này có thể gây ra vấn đề trong tương lai. Theo thống kê, khi mài răng khỏe mạnh xuống tận phần chân, một phần tư trong đó sẽ thành răng chết, gây ra các triệu chứng như áp xe”, bà nói.
Bên cạnh đó, khi ra nước ngoài làm răng và gặp các vấn đề phát sinh, bệnh nhân khó lòng tìm được bác sĩ tại Anh đồng ý điều trị khắc phục cho họ. Theo quy định của NHS, bác sĩ sẽ bị phạt nếu thủ thuật không thành công.
“Là một nha sĩ, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với các phương pháp mình chỉ định cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu một người đã bọc răng sứ ở nước khác, giờ bị áp xe và đến khám, tôi không sẵn lòng triệt tủy răng cho họ, bởi tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn. Tôi có thể bị phạt nếu điều trị không thành công. Điều duy nhất tôi có thể làm là nhổ chiếc răng đó đi”, tiến sĩ Mawson nói.
Để làm răng giá rẻ, một số bệnh viện tại nước ngoài sẽ cắt xén vật tư, mua mão răng với số lượng lớn, được sản xuất theo lô, thay vì phù hợp với cấu trúc răng của từng bệnh nhân. Trong khi đó, dán sứ veneers đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ thuật hơn.
Tiến sĩ Mawson thừa nhận có các nha sĩ lành nghề đang làm việc tại những điểm nóng về du lịch nha khoa, nhưng cũng cảnh báo người trẻ cần tìm hiểu kỹ trước khi đồng ý thực hiện các thủ thuật xâm lấn.
Nha sĩ, tiến sĩ Len D’Cruz, người đứng đầu Hiệp hội Nha khoa Anh, đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng nhiều bệnh nhân bọc răng sứ ở nước ngoài không được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết. Theo tiến sĩ D’Cruz, các quy trình phức tạp phổ biến ở điểm nóng về du lịch nha khoa, nhưng lại là biện pháp cuối cùng các nha sĩ ở Anh dùng đến.
“Ở Anh, chúng tôi rất tin tưởng và nguyên tắc MID, gọi là nha khoa xâm lấn tối thiểu. Chúng tôi rất tránh sử dụng mão răng, cầu răng nếu không cần thiết”, ông nói.
(Theo Telegraph)