Hôi miệng được định nghĩa là hiện tượng nặng mùi của hơi thở với mức độ vượt quá mức chấp nhận được trong giao tiếp xã hội, do nhiều nguyên nhân gây ra.
Nguyên nhân
Tùy theo các nghiên cứu khác nhau, tỷ lệ hôi miệng dao động từ 50-75%, chịu chi phối của nhiều yếu tố như thói quen vệ sinh răng miệng, chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể chất, điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội…Hôi miệng cũng có thể đến từ những răng giả và mối hàn không đúng quy cách gây mắc thức ăn. Nguyên nhân là do các phân tử dễ bay hơi (như hợp chất sulfua, hợp chất thơm, hợp chất chứa nitrogen, các thể ketone…) được sinh ra do bệnh lý hoặc không do bệnh lý và có thể có nguồn gốc từ miệng hoặc ngoài miệng. Tình trạng hôi miệng có thể do một hoặc kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cách điều trị
Hôi miệng gây ra những tác động rất tiêu cực tới cuộc sống hàng ngày của chủ thể. Vì vậy, việc chẩn đoán và đánh giá mức độ của tình trạng này đóng vai trò quan trọng trước khi tiến hành điều trị. Một số các phương pháp được đưa ra để đánh giá mức độ của tình trạng hôi miệng như khả năng nhận cảm bằng mũi, đo nồng độ khí sulfide của hơi thở, ủ nước bọt… Tuy nhiên cho đến nay, việc kiểm soát hôi miệng vẫn là một thách thức, phụ thuộc vào việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh và khả năng đáp ứng của bệnh nhân. Các biện pháp đơn giản có thể tự thực hiện tại nhà như sử dụng các sản phẩm tự chăm sóc (kem chải răng, nước súc miệng, nhai kẹo cao su), giảm sử dụng các thực phẩm gây mùi…Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng đối với mỗi người là cần đi khám răng miệng định kỳ để lấy cao răng cũng như phát hiện các vấn đề răng miệng cần xử lý kịp thời tại các cơ sở uy tín.