I. Đại cương
Cầu răng với (cantilever bridge, cầu đèo, cầu với) là một loại cầu răng cố định mà trong đó răng trụ hoặc các răng trụ chỉ nằm ở một đầu, nhịp cầu nằm ở phía còn lại mà không nối với một răng trụ nào khác.
Nó thường được chỉ định trong những trường hợp như không có răng trụ ở cả 2 bên khoảng mất răng, một bên răng trụ đã có phục hình răng giả mà bệnh nhân lại không muốn phá bỏ, hay bệnh nhân chỉ tới vì vấn đề thẩm mỹ mà không muốn can thiệp tới quá nhiều răng xung quanh…
– Cầu răng với được làm với mục đích tiết kiệm mô răng (cần ít răng trụ hơn), khắc phục thẩm mỹ và ổn định cung răng hơn là vì mục đích phục hồi chức năng ăn nhai. Đây là một thiết kế không đúng, có nhiều nguy cơ thất bại vì nhịp với trở thành cánh tay đòn bẩy. Nhưng trên thực tế lâm sàng, các nha sĩ vẫn phải chỉ định làm cầu với mặc dù không mong muốn, nguyên nhân có thể do bệnh nhân không đủ điều kiện về kinh tế, thời gian hay không muốn làm các phương pháp phục hình tốt hơn sau khi nha sĩ đã tư vấn.
So sánh: Với một cầu răng 3 đơn vị đơn giản (2 trụ và một nhịp cầu ở giữa), lực tác động lên nhịp sẽ phân bố đều lên 2 răng trụ hai bên, còn ở cầu răng với lực tác dụng lên nhịp cầu sẽ làm nghiêng răng trụ.
Một ví dụ về tác hại của cầu với trên một bệnh nhân:
- Hình ảnh x quang cho thấy bệnh nhân có một áp xe nha chu bên mặt gần chân răng, nhưng không cho thấy rõ hình ảnh các vết nứt gây ra nó.
- Hình ảnh sau khi nhổ răng ra cho thấy vết nứt dọc và ngang ở chân răng, gợi ý hậu quả của một mô men xoắn tạo ra bởi cầu với.
II. Ưu điểm và nhược điểm
1. Ưu điểm
– Tiết kiệm mô răng: Vì số lượng răng trụ ít hơn.
– Chỉ có một răng trụ nên không cần phải mài song song, hoặc có nhiều răng trụ thì do nằm gần nhau nên mài song song dễ dàng.
– Chỉ định hợp lý trong trường hợp mất răng phía trước khi khớp cắn thích hợp và ít nguy cơ gây nghiêng răng.
2. Nhược điểm
– Độ dài của cầu răng hạn chế, thường chỉ một nhịp với. Nếu nhiều răng giả cần nhiều trụ và các trụ phân bố rộng trên cung hàm.
Khuyến cáo là cầu răng với chỉ nên được thiết kế để thay thế một răng và nên sử dụng 2 răng trụ trở lên.
– Cầu phải cứng để tránh biến dạng.
– Lực cắn tác dụng vào nhịp cầu có nguy cơ làm nghiêng răng trụ, đặc biệt là khi răng trụ ở phía xa so với nhịp cầu.
III. Điều kiện và chỉ định
1. Bệnh nhân trẻ hay trung niên.
2. Khoảng mất răng nhỏ hay bình thường.
3. Khớp cắn thăng bằng.
4. Đối diện với nhịp cầu là hàm tháo lắp nhựa.
5. Răng trụ có thân răng cao, chân răng bình thường.
6. Răng trụ sống hoặc được tái tạo tốt.
7. Mô nha chu lành mạnh, không tiêu xương ổ răng.
8. Đối với răng trước, nhịp cầu ở phía gần hoặc phía xa. Với răng sau, nhịp ở phía gần tốt hơn nhưng cũng có thể đặt ở phía xa.
9. Nhịp cầu phải giảm thiểu kích thước ngoài trong.
IV. Các loại cầu cơ bản
1. Cầu răng với có khoảng mất răng ở phía gần của răng trụ:
– Đây là một trường hợp thuận lợi vì áp lực nhai càng giảm khi càng tiến về phía gần. Tuy nhiên các lực nhai có thể nằm ngoài trục của cầu, nên làm tăng áp lực lên răng trụ, vì vậy khi làm những phục hình như thế này cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định:
a. Khoảng mất răng tương ứng một răng mất.
b. Phục hình được xem là an toàn khi răng mất là răng cửa bên hoặc răng cửa giữa.
c. Thiết kế được khuyến cáo là 2 răng trụ cho một nhịp cầu (có thể có ngoại lệ nếu răng trụ là răng hàm hoặc răng nanh khỏe).
d. Nếu răng mất là răng tiền hàm hoặc răng hàm lớn thì phải cân nhắc kỹ càng về hệ số nhai.
– Case lâm sàng:
a. Bệnh nhân đến vì lý do phục hồi thẩm mỹ sau mất răng hàm nhỏ thứ nhất, răng nanh hoàn toàn bình thường.
Chúng ta có thể có 2 kiểu thiết kế:
+ Một là dùng răng nanh và răng cửa bên làm trụ.
+ Hai là dùng răng phía hàm nhỏ và hàm lớn phía xa làm trụ.
→ Tốt nhất cho trường hợp này là dùng 2 răng: răng hàm nhỏ thứ hai và răng hàm lớn thứ nhất làm trụ. Lý do được đưa ra là: Không thẩm mỹ chút nào khi ta dùng răng phía trước làm trụ và khả năng chịu lực của răng hàm là lớn hơn.
Chú ý:
– Điều cần tránh khi bệnh nhân tới vì lý do muốn phục hồi thẩm mỹ mà lại can thiệp tới một chiếc răng trong phạm vi dễ nhìn thấy được khi bệnh nhân cười.
– Thiết kế răng hàm lớn thứ nhất làm trụ trong case này là bắt buộc.
Phục hồi này sẽ có khả năng thành công cao hơn nếu tiếp xúc nhai chỉ giới hạn ở chỗ bên xa của răng được thay thế (tức là răng hàm nhỏ thứ nhất)
b. Bệnh nhân mất răng cửa bên.
Lúc này cầu với chỉ được chỉ định khi không có tiếp xúc nhai trong cắn cả cắn khít trung tâm và đưa hàm sang bên. Trường hợp này nên chọn răng nanh làm trụ vì răng nanh có chân răng dài và khỏe, dễ thẩm mỹ hơn là chọn răng cửa giữa làm trụ.
Lúc này để chống lại mô men xoắn, nên thiết kế một ổ tựa, với phần dương ở mặt gần của nhịp với, phần âm ở mặt xa răng cửa giữa. Mặt khác mặt bên của răng cửa nên làm mặt cong để ôm lấy mặt bên của răng cửa giữa, tránh cầu di chuyển theo chiều ngoài trong.
2. Cầu răng với khoảng mất răng nằm phía sau răng trụ.
Điều không thuận lợi ở trường hợp này là các răng càng phía sau hệ số nhai càng cao. Sau một thời gian răng trụ có thể gãy, lung lay, làm nguy hiểm cho toàn bộ phục hồi. Thường chỉ định cho phục hình tạm hoặc phục hình những răng sau mà bệnh nhân không có điều kiện làm phục hình khác như hàm tháo lắp, implant.
Phổ biến là trường hợp bệnh nhân tới vì mất răng hàm lớn mà không có răng trụ phía xa. Phục hình cầu với lúc này có thể thay thế cho hàm tháo lắp một bên. Phổ biến là phục hình với nhịp với là răng 6, thỉnh thoảng là răng 7 với mục đích tránh làm trồi răng.
Răng cối lớn chịu lực nhai rất lớn, chính vì vậy khi ăn nhai, lực tác dụng lên nhịp với sẽ tạo nên lực bẩy lớn cho răng trụ. Để khắc phục điều này, nhịp cầu với thường được thiết kế thu nhỏ lại nhiều nhất có thể đủ để giữ răng đối diện không trồi. Răng cối lớn lúc này nên thiết kế theo hình dạng răng cối nhỏ, tiếp xúc nhai ở cắn khít trung tâm nhẹ và chỉ ở hố bên gần, tuyệt đối không tiếp xúc ở các vận động sang bên. Tuy nhiên nhịp với cũng phải có độ cao nhai nướu thích hợp để đủ độ cứng chắc.
Các kiểu cầu răng với thường gặp
– Cầu răng với 1 trụ 1 nhịp
+ Trụ răng 3 nhịp răng 2
+ Trụ răng 1 nhịp răng 2
+ Trụ răng 4 nhịp răng 3
+ Trụ răng 5 nhịp răng 4
+ Trụ răng 6 nhịp răng 5
+ Trụ răng 7 nhịp răng 6 (kích thước ngoài trong thu hẹp nhiều)
– Cầu với 2 trụ liên tiếp 1 nhịp
+ Trụ răng 4,5 nhịp răng 3
+ Trụ răng 5,6 nhịp răng 4
+ Trụ 1,2 nhịp răng 1 bên kia
+ Trụ 2 răng 1 nhịp răng 2
– Cầu với 2 trụ liên tiếp 2 nhịp
Trụ 2 răng 1 nhịp 2 răng 2 ở 2 bên
– Cầu với 2 trụ xen kẽ 1 nhịp
+ Trụ răng 5,7 nhịp răng 4 với (cầu 4 răng từ răng 4 đến răng 7)
+ Trụ răng 4,6 nhịp răng 3 với (cầu 4 răng từ răng 3 đến răng 6)
+ Trụ răng 3,1 nhịp với răng 1 bên kia (cầu với 4 răng 1,1,2,3)
+ Trụ 2 răng 1, trụ răng 2 nhịp với răng 2 bên kia (cầu 4 răng 2,1,1,2)
……..
– Cầu với răng trong có nhịp cầu với phía ra
Trường hợp đặc biệt khi mất răng 7 mà bên trong lại không có răng 8 và không thể làm răng tháo lắp hay implant để phục hình răng 7. Có thể làm cầu răng với với 2 trụ 5,6 và nhịp với răng 7 (với việc thu hẹp kích thước trong ngoài của nhịp răng chỉ còn 1 nữa)
Khi thiết kế cầu răng với cần mài chỉnh khớp cắn thật tốt (chú ý khi bệnh nhân nhai trượt trái phải) hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh răng miệng thật tốt, đặc biệt là mặt trong ở các vị trí có thiết kế điểm tựa (cánh dán), kiểm tra răng miệng định kỳ.