Vệ sinh răng miệng tốt bắt đầu bằng việc đánh răng thường xuyên. Tuân thủ thói quen đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày sẽ góp phần mang lại nụ cười rạng rỡ, ít sâu răng hơn và sức khỏe tổng thể tốt hơn. Bạn nên đánh răng lúc nào và một ngày đánh răng mấy lần?
1. Một ngày đánh răng mấy lần?
Hiệp hội Nha Khoa Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo mọi người nên đánh răng hai lần một ngày, vào buổi sáng và buổi tối, với một bàn chải lông mịn. Để có sức khỏe răng miệng tối ưu, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cũng khuyên bạn nên đánh răng tối thiểu 2 phút mỗi lần và để đảm bảo bạn chải từng kẽ răng.
Trong việc lựa chọn thời điểm đánh răng, bạn cũng có thể cân nhắc chế độ ăn uống của mình. Nếu bạn đã ăn thức ăn hoặc đồ uống có tính axit, hãy tránh đánh răng ngay lập tức. Các axit này làm suy yếu men răng và đánh răng quá sớm có thể làm mất men răng.
Ngoài việc đánh răng, bạn cũng cần làm sạch kẽ răng mỗi ngày một lần. Bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa hoặc một dụng cụ làm sạch kẽ răng khác như gắp chỉ nha khoa hoặc dùng chỉ nha khoa nước.
Làm sạch hoặc dùng chỉ nha khoa giữa các kẽ răng giúp loại bỏ mảng bám và các mảnh thức ăn thường mắc kẹt dưới đường viền nướu và kẽ răng của bạn. Nếu bạn thường xuyên bỏ qua bước này, vi khuẩn có thể đọng lại trên răng hoặc đường viền nướu, làm tăng nguy cơ sâu răng và các bệnh lý răng miệng khác. Nói chuyện với nha sĩ về loại chỉ nha khoa hoặc dụng cụ nha khoa phù hợp với bạn.
2. Trẻ sơ sinh và trẻ em nên đánh răng lúc nào?
Điều quan trọng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần phải thực hiện vệ sinh răng miệng tốt, bắt đầu từ dấu hiệu sớm nhất của một chiếc răng mới nhú lên trên đường viền nướu.
Ngay khi bạn thấy răng của trẻ sơ sinh mọc lên, hãy bắt đầu chải bằng bàn chải đánh răng dành cho trẻ sơ sinh lông mềm. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, bạn có thể sử dụng một lượng nhỏ kem đánh răng có chứa fluor, có kích thước bằng hạt gạo để đánh răng cho trẻ.
Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi có thể sử dụng một lượng kem đánh răng có fluor bằng hạt đậu trên bàn chải đánh răng của trẻ. Bạn có thể giúp trẻ đánh răng hai lần một ngày (sáng và tối), mỗi lần 2 phút.
Vì trẻ em rất dễ nuốt kem đánh răng, hãy giám sát quá trình đánh răng của bé cho đến khi trẻ có thể nhổ trong khi đánh răng.
3. Điều gì xảy ra nếu bạn không đánh răng?
Nếu bạn thường xuyên đi ngủ mà không đánh răng, không có khả năng gây ra các vấn đề lâu dài. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bỏ qua việc đánh răng buổi tối hoặc buổi sáng, bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng và các biến chứng.
Vấn đề phổ biến nhất xảy ra do không đánh răng thường xuyên là tích tụ mảng bám và sâu răng. Khi bạn không đánh răng thường xuyên, thức ăn và vi khuẩn tích tụ trên răng, gây ra mảng bám, lớp phủ mờ và trơn trượt bám vào răng.
Vi khuẩn trong mảng bám có thể tàn phá răng, khiến men răng của bạn bị bào mòn. Theo thời gian, điều này có thể khiến hình thành lỗ sâu răng.
Nếu mảng bám tiếp tục tồn tại, bạn cũng có nguy cơ bị viêm nướu, một dạng bệnh nướu răng hay gặp. Viêm nướu là khi nướu của bạn bị viêm, khiến nướu bị đau và dễ chảy máu hơn.
Khi tình trạng viêm nướu nặng hơn có thể dẫn đến viêm nha chu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, viêm nha chu khiến nướu của bạn bị kéo ra khỏi răng. Điều này có thể dẫn đến tiêu xương và răng lung lay có thể bị rụng.
4. Vệ sinh răng miệng kém có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của sức khỏe không?
Vệ sinh răng miệng kém không chỉ là một vấn đề đối với miệng của bạn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của sức khỏe của bạn.
Trên thực tế, nếu việc đánh răng hàng ngày, dùng chỉ nha khoa và đến gặp nha sĩ thường xuyên không nằm trong danh sách ưu tiên của bạn, bạn có thể đang tự làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Kết quả từ một nghiên cứu lớn năm 2019 cho thấy vệ sinh răng miệng tốt có thể làm giảm nguy cơ rung nhĩ (AFib) và suy tim.
Ngoài ra, theo Văn phòng Phòng ngừa Dịch bệnh và Nâng cao Sức khỏe, sức khỏe răng miệng kém ở phụ nữ mang thai có liên quan đến sinh non và sinh con nhẹ cân.
Đến gặp nha sĩ 6 tháng một lần để làm sạch răng miệng và kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp tăng cường vệ sinh răng miệng tổng thể và giảm nguy cơ phát triển các tình trạng sức khỏe khác.
5. Đánh răng như thế nào là đúng cách?
Biết cách đánh răng cũng quan trọng như tần suất đánh răng mỗi ngày. Để giúp tối đa hóa sức khỏe răng miệng của bạn, hãy làm theo các bước sau để đánh răng đúng cách.
- Đánh răng đúng kỹ thuật: Để đánh răng, hãy đặt bàn chải lông mềm ở góc 45 độ dọc theo nướu răng và di chuyển bàn chải tới lui trong một đoạn ngắn.
Bạn chỉ nên dùng lực ấn nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương hoặc trầy xước lợi. Chải sạch tất cả các mặt răng gồm cả mặt nhai và các mặt khác của tất cả các răng. Cuối cùng, bạn cần chải lưỡi để loại bỏ hết vi khuẩn trong khoang miệng.
- Sử dụng đúng loại bàn chải đánh răng: Sử dụng bàn chải đánh răng bằng điện hoặc bằng tay là lựa chọn tốt. Một đánh giá nghiên cứu năm 2014 cho thấy bàn chải đánh răng điện có hiệu quả hơn trong việc giảm mảng bám và viêm nướu so với bàn chải thông thường. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là thói quen vệ sinh răng miệng của bạn và những gì bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng.
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm. Loại bàn chải lông mềm giúp giảm nguy cơ mài mòn nướu. Ngoài ra, bạn có thể chọn bàn chải đánh răng có lông nhiều tầng hoặc nhiều góc cạnh.
Theo một Đánh giá nghiên cứu năm 2012, những bàn chải đánh răng này hoạt động tốt hơn trong việc loại bỏ mảng bám so với bàn chải lông phẳng thông thường. Tìm bàn chải đánh răng có dấu chấp nhận của cơ quan y tế. Điều này cho thấy bàn chải đánh răng vừa an toàn, vừa hiệu quả để loại bỏ mảng bám và giảm nguy cơ bị viêm lợi.
Bạn nên thay bàn chải đánh răng định kỳ từ 3 đến 4 tháng một lần hoặc sớm hơn nếu bàn chải có dấu hiệu mòn quá mức, chẳng hạn như lông bàn chải bị sờn.
- Sử dụng kem đánh răng có chứa florua: Nhãn hiệu của kem đánh răng không quan trọng bằng thành phần của nó. Đảm bảo sử dụng kem đánh răng có fluor có dấu của cơ quan y tế, có nghĩa là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về tính an toàn và hiệu quả do cơ quan y tế đặt ra.
- Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày: Làm sạch kẽ răng ít nhất một lần một ngày giúp loại bỏ thức ăn có thể mắc kẹt dưới nướu và kẽ răng của bạn. Cách dễ nhất để thực hiện điều này đó là sử dụng chỉ nha khoa. Chỉ nha khoa có các loại có sáp và không có sáp, nhưng theo các bác sĩ nha khoa thì không có sự khác biệt về hiệu quả giữa các loại này.
Nha sĩ của bạn cũng có thể đề xuất các chất làm sạch kẽ răng khác như:
- Chỉ tăm nha khoa
- Sợi luồn chỉ nha khoa
- Máy xỉa nước
- Bàn chải nhỏ chạm vào kẽ răng của bạn
- Chất tẩy mảng bám răng
Bên cạnh việc đánh răng, để giữ cho răng miệng khỏe mạnh, hãy thực hiện những điều sau:
- Sử dụng nước súc miệng sau khi đánh răng để loại bỏ hết các mảng bám, thức ăn và vi khuẩn còn sót lại.
- Uống nhiều nước.
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế thức ăn và đồ uống có đường.
- Tránh ăn vặt thường xuyên.
- Lên lịch khám răng định kỳ với chụp X-quang và làm sạch răng.
Đánh răng hai lần mỗi ngày, mỗi lần 2 phút có thể làm giảm nguy cơ bị sâu răng, bệnh nướu răng và các tình trạng sức khỏe răng miệng khác. Tuân theo các nguyên tắc do Hiệp hội Nha khoa đặt ra về kỹ thuật đánh răng, lựa chọn bàn chải, kem đánh răng và dùng chỉ nha khoa cũng có thể góp phần mang lại sức khỏe răng miệng tốt.